CHA MẸ NÊN ĐẶT KỲ VỌNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TRẺ THÀNH CÔNG?
Ba mẹ có bất ngờ khi biết rằng có đến 9 trên 10 đứa trẻ ngày nay ra trường không biết nên làm gì tiếp theo cho tương lai của mình? Và sự thật là hầu hết những đứa trẻ này đều là những “người làm theo” ý của cha mẹ. Đó là kết quả từ nghiên cứu của trường ĐH Reading, Anh Quốc.
TS. Kou, dẫn đầu nghiên cứu, từng chia sẻ: “Liệu bạn muốn con mình phát triển trong hạnh phúc và theo đuổi mục tiêu của con bạn, hay bạn muốn con theo đuổi mục tiêu của bạn. Nếu bạn muốn trẻ hạnh phúc và thành công, thì hãy khuyến khích trẻ học, vui chơi và sáng tạo với những điều trẻ thích.”
LIỆU CHÚNG TA ĐÃ ĐẶT KỲ VỌNG ĐÚNG?
Kỳ vọng là con dao 2 lưỡi. Nó có thể thúc đẩy sự cố gắng và động lực phát triển bên trong mỗi đứa trẻ, nhưng cũng dễ dàng tạo ra áp lực và đẩy trẻ thành người làm theo, hơn là người kiến tạo.
Khi đặt kì vọng, ba mẹ hãy đặt vào nỗ lực của con, đừng đặt vào thành tích hay điểm số. Khi đặt vào nỗ lực và công nhận thành quả của trẻ thì trẻ hứng khởi phát triển và phát huy được tính sáng tạo, mà không sợ làm sai hay thất bại. Nếu thất bại, trẻ vẫn biết tự đứng lên. Đó là cách ba mẹ giúp trẻ trở thành người kiến tạo.
Nếu chỉ đặt vào thành tích hay so sánh, trẻ chỉ học được cách để có thành tích như kì vọng. Nếu chẳng may thất bại, trẻ khó biết cách để làm khác hơn.
LÀM SAO TẠO NÊN ĐỨA TRẺ BIẾT KIẾN TẠO?
Bằng chứng cho thấy trẻ từ 8 tháng tuổi đã sớm có thể xây dựng động lực tốt khi được cha mẹ đặt kỳ vọng đúng thông qua các hoạt động hằng ngày, như
1. Khi cho trẻ ăn dặm, ba mẹ xem xét trẻ tương tác với thức ăn như thế nào, thích thử món mới ra sao, thay vì ba mẹ chỉ nghĩ về lượng ăn của trẻ. Khi thay đổi cách suy nghĩ như vậy, ba mẹ sẽ trân trọng phút giây trẻ khám phá quá trình ăn, hơn là cố nhồi nhét để trẻ ăn thật nhiều. Thực tế rằng: khi trẻ càng nhỏ có những thời gian hạnh phúc khi ăn thì càng lớn trẻ có hành vi ăn uống tốt hơn. Ngược lại, trẻ sẽ càng biếng ăn hơn nếu trẻ bị ép để ăn ở giai đoạn nhỏ.
2. Lúc dạy trẻ làm toán, ba mẹ cho trẻ thời gian suy nghĩ, cho ý kiến và khuyến khích trẻ giải quyết, thay vì tập trung vào số câu toán đố trẻ làm xong.
3. Lúc dạy tiếng Anh cho trẻ, ba mẹ và trẻ cùng thi nhau hoàn thành trách nhiệm, thay vì đẩy trách nhiệm hoàn thành chỉ riêng cho trẻ. Ví dụ, ba mẹ và trẻ cùng học từ vựng, thì ba hoặc mẹ nói 1 từ, trẻ nói 1 từ. sau đó, trẻ đố ba mẹ 1 từ, ba mẹ đố trẻ 1 từ.
4. Lúc trò chuyện với trẻ, ba mẹ không nên cho rằng trẻ luôn phải hiểu ngầm điều bạn nói. Ví dụ, ba mẹ la mắng trẻ vì trẻ làm sai, nhưng chỉ đánh và la, mà không giải thích nguyên nhân thì ba mẹ và trẻ không thể hiểu nhau được.