BA MẸ ĐÃ BIẾT CÁCH TRÒ CHUYỆN NHẸ NHÀNG VỚI CON ?
Đã bao nhiêu lần ba mẹ nổi giận với con vì con không làm theo những gì ba mẹ yêu cầu?
Đã bao nhiêu lần ba mẹ thấy khó chịu khi “bị giao việc”?
Trẻ em thường thích gây sự chú ý, thích được khen ngợi và thích sự nhẹ nhàng. Không chỉ ở hành động mà chính những lời nói của ba mẹ sẽ có sức ảnh hưởng cực kì to lớn đến tâm trạng, tâm lý của con. Ba mẹ thông thái thời hiện đại cần học cách giao tiếp nhẹ nhàng với con từng bước đi vào thế giới của con, cùng con phát triển từng ngày. Hãy cùng SUEKiD điểm qua những cách trò chuyện nhẹ nhàng tạo cảm giác thoải mái cho con ngay cả khi con có thái độ tiêu cực nhé.
1. “Nếu… thì”
Để khuyến khích con thực hiện những công việc mà con chưa thực sự thích, mẹ hãy nói tới lợi ích của con với mẫu câu ”Nếu… thì”
“Nếu con hoàn thành bài tập trong 20 phút nữa thì mẹ và con sẽ cùng xem bộ phim con thích nhé.”
2. “Giữa… chọn”
Hãy cho con quyền lựa chọn, tích cực hỏi ý kiến con bằng mẫu câu “Giữa…chọn”
“Giữa món cá kho và món cá hấp, con chọn món nào để mẹ làm?”
3. “Mẹ muốn…”
Thay vì dùng những từ mang tính bắt buộc như “phải, cần”, ba mẹ nên thay bằng “muốn” để trẻ có cảm giác có thể hoàn thành công việc gì đó giúp mẹ, khiến mẹ vui như “Mẹ muốn con dọn phòng ngủ để ra ăn sáng cùng cả nhà.”
4. “Mẹ rất vui…”
Thường xuyên sử dụng các cụm từ biểu đạt cảm xúc tích cực như “Mẹ rất vui; Mẹ rất hạnh phúc khi….; Mẹ cực kì hài lòng …” Đây là lời động viên to lớn với trẻ vì đứa trẻ nào cũng muốn được công nhận, làm ba mẹ vui.
5. “Hãy cho mẹ biết…”
Khi ở cạnh con, đi chơi cùng con, thường xuyên dùng các cụm từ khuyến khích con nói: Hãy kể; hãy miêu tả; hãy tường thuật lại; hãy cho mẹ biết; hãy giúp mẹ hiểu; hãy tìm thông tin giúp mẹ; hãy đặt những câu hỏi cho mẹ nếu con muốn biết…
6. “Còn bây giờ thì…”
Khi muốn con dừng lại một công việc gì đó mà con đang thích để chuyển sang công việc khác, mình thường cùng con xem xét, đánh giá một chút về công việc con đang làm rồi mới nêu đề nghị của mình: “Còn bây giờ thì…”.
Ví dụ con đang ngồi xem ti vi, mẹ muốn con tắt đi để học bài. Mẹ nên ngồi xem khoảng hai ba phút cùng con và hỏi: Con đang xem gì? Con thích vì sao? Sau đó mẹ sẽ nói: Ừ, mẹ thấy cũng hay nhưng mẹ nghĩ đã đến lúc tắt. Còn bây giờ thì con đi học bài đi nhé!
7. “Mẹ không vui… nhưng mẹ tin…”
Khi con mắc lỗi, đừng vội vàng quát mắng, mà hãy nhìn thẳng vào mắt con, nghiêm nghị nói: “Mẹ không vui; Mẹ không hài lòng, nhưng mẹ tin…”
“Mẹ không vui khi con cư xử như vậy với ông bà nhưng mẹ tin lần tới con sẽ thay đổi cách cư xử đó.”
8. “Hôm nay có gì vui?”
Luôn dành một khoảng thời gian cho con kể chuyện trường lớp và bắt đầu: “Hôm nay có gì vui?…. Mẹ sẵn sàng lắng nghe…. Mẹ rất muốn biết… Mẹ rất thích được tìm hiểu… Mẹ muốn được “đi học” cùng em…”.
9. “Mẹ rất hiểu…”
Trẻ con cũng có những nỗi buồn của chúng. Hãy bên cạnh và an ủi: Mẹ thực sự lấy làm tiếc… Mẹ rất hiểu… Mẹ rất chia sẻ… Mẹ cùng con giải quyết…
10. “Con thấy thế nào”
Hãy trao thêm “quyền lực” cho con bằng việc hỏi ý kiến: Con thấy thế nào?/ Con có ý tưởng gì không?/ Con có cách giải quyết nào không…?
Những câu hỏi này còn kích thích trẻ bắt đầu suy nghĩ, hình thành tư duy logic, học cách đưa ra quan điểm cá nhân.